Khu du lịch tín ngưỡng Đền Bà Đế

25/05/2017 10:22
 
 

Đền Bà Đế

 
 
Đền Bà Đế thuộc địa phận phường Ngọc Hải quận Đồ Sơn. Đây là một điểm du lịch văn hoá tín ngưỡng mà quý khách không thể bỏ qua trong chuyến hành trình đến với mảnh đất đầy sóng và gió này. 
 
Kính thưa quý khách , quý khách đang đi trên con đường 353, vòng theo  con đê dài để đến Đền Bà Đế.Từ xa quý khách dễ dàng nhìn thấy ngọn núi Độc tách riêng khỏi dãy Cửu Long Sơn. Chính vì đứng riêng biệt như vậy nên khi nhắc đến ngọn núi này người Đồ Sơn có câu:
 
Chín con theo mẹ dòng dòng
Còn một con út ra lòng bất nhân
Đông kia núi Độc phản thân
Tây kia núi mẫu chín lần ôm con
 
Dưới chân núi có một ngôi đền quay ra phía biển. Nơi mà quý khách đang đứng đây chính là Đền Bà Đế. Hằng năm du khách thập phương đến đây rất đông.Vì sao Đền Bà Đế lại có sự cuốn hút như vậy chính là bởi sự linh thiêng của  ngôi đền.Sự tích của Đền Bà Đế được xuất phát từ một câu chuyện hoàn toàn có thật.
 
Tương truyền rằng vào năm 1718 ở phía Đông Nam vụng Ngọc Đồ Sơn có đôi vợ chồng họ Đào, suốt 20 năm hiếm con. Làm ăn tu tâm tích đức cầu xin Trời Phật ứng độ cho một người con, Trời  Phật chứng giám đã báo mộng cho người vợ mang thai. Tròn ngày tròn tháng của đất trời Đế Bà ra đời và điều đặc biệt là người nàng có mùi hương thơm ngát. Nàng được đặt tên là Đào Thị Hương. Tuổi trưởng thành sắc đẹp của nàng nổi tiếng khắp vùng .
 
 

tượng Bà Đế

 
Câu đối trong đền thờ nàng đã ca ngợi:
 
               Bẩm sinh quốc sắc thiên hương tiên nữ uy dung chân thể phách
Cố hữu băng cơ Ngọc cốt Đế Bà  nghi biểu hạo tinh anh
 
Nàng Hương  rất khéo tay, siêng năng mọi việc và  trời phú cho nàng có giọng hát tuyệt vời.  Người ta nói rằng mỗi lần nàng cất giọng hát chim như ngừng hót, sóng ngừng vỗ và đất trời như lặng đi để thắm đượm hết tiếng hát của nàng. Cứ thế giọng hát của nàng hoà quyện vào với đất trời sông núi, khiến mọi ngư dân trong vùng quên  đi mọi nhọc nhằn vất vả, an lòng vững tâm, vui vẻ hơn.Nhưng chính giọng hát tuyệt vời đó lại làm nên oan nghiệt của cuộc đời nàng. Hồng nhan thì bạc mệnh, chữ tài đi với chữ tai một vần. Một buổi chiều vào năm 1736, sau khi dừng tay liềm chăn trâu cắt cỏ xong thì nàng lại cất cao tiếng hát. Nàng Hương hát rằng:
 
Tay cầm Bán nguyệt xênh xang
Bao nhiêu thảo mộc lai hàng tay ta
 
Tiếng hát ngân nga làm cho một đoàn thuyền  đi ngang qua dưới chân núi Độc phải dừng lại. Và đoàn thuyền đó chính là đoàn thuyền của nhà Chúa Trịnh Doanh đi kinh lý mạn biển Ngọc Hải Đồ Sơn.Thời gian này vùng biển Đồ Sơn là cửa ngõ quan trọng phía Đông Bắc của Đại Việt .Khi nghe tiếng hát làm đắm say lòng người bèn truyền lệnh cho quân lính đi tìm người hát. Gặp nàng Hương -  trước một tuyệt thế giai nhân chúa mang lòng yêu mến và quyến luyến  không rời xa. Khi Chúa về kinh có hẹn nàng chờ đợi ít ngày Chúa sẽ đem thuyền hoa quý rước nàng lên kinh. Từ đó nàng mang thai giọt máu của Chúa, trong lòng rất lo sợ với hàng xóm .Ngày đêm nàng  trông ngóng thuyền hoa nhưng vẫn chẳng thấy đâu trong khi cái thai rồng ngày một lớn lên
 

 

Ngày đêm trông ngóng thuyền hoa
 
Kính thưa quý khách ở thời đại phong kiến người con gái chửa hoang, không có chồng mà có con là một tội vô cùng lớn. Nếu không khai ra cha đứa trẻ là ai thì người con gái đó phải chịu phạt theo lệ làng bằng một trong hai hình thức. Một là phạt vạ nộp tiền cho Hàng Tổng,  cạo đầu bôi vôi dong đi đầu làng cuối chợ để bêu rếu. Hai là nếu không có tiền để phạt vạ thì phải chịu chết bằng cách thả trôi xuống biển. Vì nhà nghèo quá không có tiền, họ Đào mang nàng xuống biển, khu vực núi Độc trầm hà.( dìm xuống biển).Nàng Hương không thể thanh minh được với bất kì ai cái thai trong bụng nàng là của chúa Trịnh Doanh. Nàng ngậm ngùi chịu chết. Nước mắt oan ức, Nàng  ngửa mặt lên trời khóc than rằng: 
 
Phận gái thân cô, gặp chúa yêu tôi đâu dám chống, nghĩa cha mẹ họ hàng tôi đâu dám quên. Xin Trời Phật chứng giám cho lòng con, khi con bị dìm xuống nước, nếu con có oan ức Trời Phật cho con nổi lên ba lần, họ hàng hãy cho con được sống, nếu con dối trá thân này sẽ chìm xuống để làm gương cho đời.
 
Quả nhiên nàng nổi lên ba lần, mọi người ai nấy đều kinh sợ,Nàng xin được sống nhưng  họ Đào cùng bọn cường hào ác bá đã tìm cách thức dã man hơn là  lấy dây thừng cối đá thủng buộc vào bụng bà, quấn vào cây sào cắm xuống biển cho đến chết. Và nàng Hương đã ra đi như vậy.
 
Họ hàng Tổng ra về cũng là lúc sóng to gió lớn nước dâng lên vỗ vào chân núi Độc có một cái hang to , dây thừng cối đá cây sào trôi vào miệng hang.Nàng Hương mất đi nhưng oan hồn của nàng thì ngày đêm vẫn lẩn khuất ở trong hang đá nơi dưới chân núi độc và bãi đá hầu.
 
Lời nàng nguyền rằng:
 
Bao giờ dây mục cối tan
Ta đây mới cởi nỗi oan hận thù
 
Quả báo đến ngay tức thì, những kẻ Chánh Tổng và Lý trưởng đã dìm chết nàng Hương thì thay nhau ngã bệnh mà chết, kẻ thì hoá điên khùng phải bỏ làng mà đi biệt xứ và tuyệt tự không có con cái. Đến tận bây giờ họ Đào ở Đồ Sơn vẫn không có con trai mà chỉ có những người mang họ Đào ở nơi khác  đến mà thôi.
 
 
Đền thờ nàng Đào Thị Hương (Bà Đế) bên núi Độc
 
Lại nói về chuyện của chúa Trịnh Doanh,vào một đêm ngài chiêm bao thấy một người con gái ở núi Độc Đồ Sơn tìm đến đòi nợ. Bấy giờ Nhà Chúa mớigiật mình  tỉnh giấc bèn vội vàng sai quân lính mang  thuyền hoa về rước nàng lên kinh. Nhưng tất cả đã quá muộn. Nàng Hương đã không còn nữa. Lúc này dân làng mới vỡ lẽ ra là nàng Hương bị oan ức  nên đã lập đền thờ dưới chân núi Độc để giải oan. Khi thấy oan nghiệp tăng lên gấp bội, thân mẫu bà vì quá thương con nên cũng mất theo.Chúa Trịnh Doanh thì vô cùng ân hận đã sắc phong cho nàng là Hậu Đế( tức là Hoàng Hậu về sau). Đền có tên gọi là Đền Bà Đế từ đó vào năm 1763. Đền thờ nàng Đào Thị Hương  khi nàng vừa tròn 18 tuổi.
 
Khi xây dựng đền lên dân làng bỏ vào trong đó cái dây thừng và cối đá xanh thủng đã dìm chết nàng Hương  để làm chứng tích của tội ác như để cảnh tỉnh người đời khi nhìn nhận một con người , đánh giá một con người hãy mở rộng tấm lòng của mình, đừng nhìn con người bằng cái nhìn hà khắc , phiến diện để rồi có những nỗi oan nghiệt như của nàng Hương. Đồng thời cũng lên án xã hội phong kiến đầy áp bức bất công  lúc bấy giờ mà những người có thân phận thấp hèn sống trong xã hội đó phải chịu đựng. Và cứ mỗi một năm Họ Đào của nàng phải đem cái dây thừng đó ra nhuộm một lần.
 
Trải qua thời gian hơn  hai thế kỉ, vào một đêm khi người đi biển vào thắp hương trong đền , những nén hương trong bát hương đồng đã bốc cháy lan đến xà đền bằng gỗ, rơi xuống dây thừng và cối đá xanh cháy theo.Từ đó dây thừng  không  còn, cối đá xanh biến thành vôi. Đây là một điều ứng nghiệm thật linh thiêng . Và lời nguyền  của nàng Hương bao giờ dây mục cối tan đã được giải bỏ.
 
Khi vua Tự Đức về thăm đền đã ban sắc trọng cho nàng Hương là:  
Đông Nhạc Đế Bà - Trịnh Chúa phu nhân.
 
Người đời sau tiếc thương và khâm phục lòng thuỷ chung của nàng.  Nhiều danh nhân sau này đã viết:
 
Nhất phiến băng tâm thiên địa bạch
Kính thành nhĩ tự quỷ thần tri
Đế Bà hương hoả thiên thu tại
Trịnh Chúa xe loan cựu tích truyền
 
Có nghĩa  là:               
 
Lòng sáng như gương trời đất biết
Nỗi niềm thành kính quỷ thần hay
Đế bà hương lửa nghìn thu ấy
Trịnh Chúa xe loan chuyện để đời
 
Kính thưa quý khách, Đền Bà Đế  , có cấu trúc giản dị nhưng thanh thoát và trang nhã đặt trên địa thế rất uy linh, lưng  dựa vào núi Độc, trước mặt là biển khơi bao la  .tạo nên một kì quan độc đáo không thua gì “ Nam thiên đệ nhất động ” Chùa Hương. Chính vì vậy mà ở ngay cổng tam quan của đền có đôí câu đối ghi rằng:
 
Sơn chi cao hải chi thâm( nơi có cảnh non xanh nước biếc)
Ý nghĩ thành tâm nghi chính( chốn hợp người nghĩ thực lòng ngay)
 
 Theo những người cao tuổi ở Đồ Sơn kể lại thì trước đây Đền Bà Đế là một ngôi miếu nhỏ. Mỗi lần đi đánh cá qua đền ngư dân thường lên thắp hương  cầu nguyện bà  để có  những chuyến đi  trời yên biển lặng và khoang nặng lưới đầy, người đi biển gặp nhiều may mắn .Trải qua bao thăng trầm của lịch sử di tích cổ này đã có phần hư hại và xuống cấp.
 
Ngày nay  bằng tấm lòng hảo tâm công đức của quý khách thập phương , nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, Đền Bà Đế đã được tôn tạo lại  với hàng tỉ đồng để to đẹp hơn, bề thế hơn, khang trang hơn và mở rộng dần ra phía biển vào năm 2004.
 
 
 
 
Đền Bà Đế gồm gian chính điện thờ Đế Bà và phụ mẫu thân. Điện bên trái gian chính thờ Vua Thuỷ Tề . Bên cạnh điện Vua Thuỷ Tề thờ các vị sơn thần thổ địa và chúng sinh. Bên phải gian chính là điện thờ  Tam Toà Thánh Mẫu.Đối diện điện thờ Tam Toà Thánh Mẫu là điện thờ Đức  Phật  và Đức Đại Vương, ngay  phía trước sân đền là hình ảnh một con thuyền  trên đó có tượng Bồ Tát , chung quanh hình tượng rồng uốn quanh  tô thêm vẻ linh thiêng của chốn này. Không ồn ào và tránh xa cuộc sống thường nhật, đến Đền Bà Đế quý khách sẽ được sống trong không khí tĩnh mịch  với tiếng sóng vỗ vào bờ đá rì rầm như kể về nỗi oan khuất của một người con gái vùng đất Đồ Sơn tài sắc nhưng bạc mệnh. 
 
Bà Đế rất linh thiêng, ngày đêm vẫn  dõi theo và phù hộ độ trì cho những người con đi biển Đồ Sơn .Du khách thập phương về với  với đền Bà Đế không chỉ vào mùa xuân mà quanh năm để xin tài xin lộc và xin giải mọi oan khuất mà bản thân và gia đình phải gánh chịu nếu có. Bà Đế linh nghiệm ban điều lành  cho những ai thành tâm đến đây cầu xin được đúng như ý nguyện.
 
Lễ hội chính của Đền Bà Đế diễn ra vào các ngày 24,25, 26 tháng 2 âm lịch hằng năm góp phần  làm sôi động hơn các  hoạt động lễ hội ở Đồ Sơn.
 
Số lượt đọc: 3600 -