Kinh nghiệm du lịch Đảo Dấu Đồ Sơn- Hải Phòng
Sóng vẫn hát thì thầm, biển ngàn năm xô bờ cát
Gió vẫn hát nghìn lời những im lặng lắng nghe
Chiều hôm ấy em, em đưa tôi về biển
Có con đường đi dọc bến Nghiêng
Ta vui bước bên nhau lên Tháp cổ
Thấy mây trời và sóng nước Đồ Sơn
Vâng, thưa Quý khách, chỉ với những câu dạo đầu đầy nhạc và thơ, người nhạc sỹ đã vẽ lên một bức tranh thiên nhiên về Đồ Sơn say đắm lòng người: “nơi sơn quần thủy tụ, non xanh nước biếc, người thương đi về”.
Vâng kính thưa quý chúng ta đang đứng tại bến Nghiêng nơi những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi đất nước ta 15/5/1955, từ đây chúng ta có thể xuống tàu và ra đảo Dấu chỉ khoảng 20 phút dập dờn trên sóng biển ta có thể cảm nhận được tiếng sóng, tiếng gió và cả tình yêu tha thiết với biển đảo quê hương.
Bến Nghiêng
Nhắc đến Đảo Dấu là nhắc đến một hòn đảo nhỏ rất linh thiêng với ngôi đền thờ Nam Hải Thần Vương một lễ hội tâm linh đặc sắc của cư dân miền biển Đồ Sơn – Hải Phòng. Xa xưa trong những cuộc vận động của thềm lục địa, một phần dãy núi đã tách khỏi bán đảo Đồ Sơn trôi dần ra phía biển, trở thành cửa ngõ của Hải Phòng, đảo Dấu như được ví nơi có chín con Rồng đang chầu về một viên ngọc nhìn từ trên cao xuống Hòn Dấu như một dấu chấm than khoét vào lòng biển cả trong thế “Cửu Long tranh châu”. Về tên gọi của đảo dấu theo sách Đại Nam nhất thống chí biên soạn vào thời nhà Nguyễn có tên là đảo Song Ngư hoặc Cồn Dừa còn trong nhân gian gọi hòn Dấu bởi nó được đánh dấu làm mốc trên bản đồ cho thuyền bè qua lại. Nơi đây còn có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ cổ kính với những cây đa cây si hàng trăm năm tuổi do vậy còn được gọi là “di tích và danh thắng đảo Hòn Dấu”.
Đảo Dấu
Vâng kính thưa quý khách lướt qua con sóng dập dờn cũng là lúc thuyền cập bến một khung cảnh vô cùng hoang sơ hiện ra trước mắt. Đảo Dáu có diện tích gần 14 ha không có cư dân sinh sống ổn định chỉ có các đơn vị Nhà nước như bộ đội Biên phòng và những người công nhân bám biển giữ đảo bằng công việc hy sinh thầm lặng đó là giữ gìn và thắp dầu cho đèn chiếu sáng.
Đền thờ thần Nam Hải Đại Vương nằm ngay bên cạnh bến tàu. Đây là ngôi đền đã có từ rất lâu đời, ngày nay đã được người dân tại Đồ Sơn sửa chữa mới. Người dân Đồ Sơn và cư dân làm nghề biển tin rằng vị thần này đã phù trợ cho họ được thuận buồm xuôi gió, tôm cá đánh bắt được nhiều, chính vì vậy đây được coi là nơi linh thiêng sùng kính. Nam Hải Thần Vương là một vị tướng thời Trần, theo truyền thuyết của người dân Đồ Sơn kể rằng: Sau trận thủy chiến vào thời nhà Trần bà con đi biển thấy một thi thể không đầu trôi vào đảo nhận ra y phục của võ tướng nhà Trần bà con thành kính khói hương chờ trời sáng sẽ mai táng. Lạ kì thay sáng hôm sau mối đã đùn lên thành mộ biết là sự lạ mọi người khói nhang và tu sửa lại phần mộ .
Đền thờ thần Nam Hải Đại Vương
Những ngày kế đó người ta thấy một vị võ tướng hiển linh thành ông già râu tóc bạc phơ dạo chơi ở quanh đảo, người dân Đồ Sơn gọi cụ là Lão Đảo Thần Vương.. Trong một dịp đi kinh lý ở Đồ Sơn vua Lê đã nghỉ đêm trên đảo và nằm mơ thấy ông già tự xưng là thần đảo, hôm sau lên thuyền vua đã kể lại và bảo nếu là thần đảo thực hãy cho ta một báo ứng, vừa dứt lời một con cá quẫy mạnh nhảy lên thuyền thấy linh nghiệm nhà vua cho người dân lập đền thờ và ban sắc phong “ Nam Hải Thần Vương”.
Đền thờ Nam Hải Thần Vương có lối kiến trúc chữ đinh gồm ba gian tiền tế và hai gian hậu cung nhiều đồ thờ tự được bài trí uy nghiêm mặt chính diện ngôi đền hướng ra biển, trong gian thờ chính điện ngoài tượng thần Nam Hải Đại Vương điều đặc biệt ở đây còn thờ một chiếc giỏ và một chiếc cần câu: là hai ngư cụ của những ngư dân. Bên cạnh đền thờ chính còn ngôi đền quan sơn thần và bà chúa Nam Phương linh thiêng. Người dân Đồ Sơn và ngư dân làm nghề biển cho rằng vị thần trên đảo Dấu rất linh thiêng đã phù hộ cho ngư dân miền biển thuận buồm xuôi gió tránh mọi rủi ro và đem lại may mắn, hàng năm lễ hội được tổ chức diễn ra vào các ngày 8, 9, 10 tháng 2 âm lịch.
Thưa quý khách, rời ngôi đền chúng ta sẽ đến với ngọn đèn hải đăng trên 100 năm tuổi được xây dựng từ thời Pháp thuộc 1892- 1898 hoàn thiện. Con đường lên đảo không dốc lắm vừa đủ để du khách cảm nhận được sự sảng khoái như sau bài tập thể dục . Cảm giác đi dưới những tán cây cổ thụ những dây leo chằng chịt không khí trong lành một không gian âm u cô tịch huyền bí mà lại thơ mộng. Tương truyền thần Nam Hải rất linh thiêng, nếu ai dám lấy đi bất cứ thứ gì trên đảo, kể cả một lá cây hay một hòn đá nhỏ sẽ bị ngài phạt, phải đem trả lại mới yên. từ xa xưa những lời truyền miệng về sự linh thiêng ấy cứ theo người dân khắp vùng này. Nhất là dân làng chài, họ tuyệt nhiên không bao giờ dám động đến bất kỳ một thứ gì trên đảo có lẽ đây là lí do vì sao hòn đảo, vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ kỳ vĩ.
Hải đăng đảo Dấu
Vâng kính thưa quý khách ngọn đèn hải đăng một minh chứng hào hùng của dân tộc trong những năm kháng chiến cùng với những người anh hùng đã viết lên một trang sử hào hùng mãi không thể nào quên.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ ở miền Bắc hải đăng Hòn Dấu - Đồ Sơn là mục tiêu đánh phá của kẻ thù, bom từ máy bay thả xuống pháo từ hạm đội 7 câu vào. Để phong tỏa Hải Phòng chúng đã thả thủy lôi chắn các cửa sông quanh Đồ Sơn với quyết tâm đánh phá ngọn đèn biển. Theo con số thống kê trong thời gian chiến tranh phá hoại miền Bắc Đế quốc Mỹ thực hiện 116 trận oanh kích ác liệt, đảo Hòn Dấu trở thành túi đựng bom đạn của kẻ thù, nhưng đêm đêm ngọn đèn vẫn nháy sáng làm tín hiệu tàu bè đi lại cây đèn biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của những người con yêu nước.
Đảo Hòn Dấu ngày nay đã có một cơ ngơi bề thế, Qúy khách có thể khám phá leo lên tận đèn pha có độ cao 68m so với mực nước biển bằng cầu thang gỗ thiết kế hình xoắn ốc. Đứng trên ngọn hải đăng, không gian cảnh quan Đồ Sơn như thu gọn trong tầm mắt du khách với sóng, với gió, với non nước mây trời. Dưới tháp đèn là khu nhà bảo tàng với nhiều tư liệu, hình ảnh và hiện vật bên cạnh khu nhà nghỉ cho người coi đảo còn nguyên vẹn để minh chứng cho lịch sử và phục vụ cho những du khách tham quan.
Ngọn đèn hải đăng ngày nay vẫn đang phát huy vai trò quan trọng của mình đối với ngư dân, tàu bè trong nước và Quốc tế qua lại, ánh sáng của ngọn đèn đã chỉ dẫn, xác định phương hướng cho những chuyến hải trình, cho những niềm tin và hy vọng của quá khứ, hiện tại và cả tương lai “Còn người, còn đảo, trái tim còn đập thì đèn vẫn còn sáng” Lịch sử như một dòng chảy liên tục nhờ có sự hy sinh thầm lặng của cha ông, những thế hệ đàn anh chúng ta mới có được cuộc sống ấm lo hạnh phúc nhưu ngày hôm nay.
Với những giá trị lịch sử, tâm linh và cả vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ của Hòn Dáu, nơi đây đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích danh thắng cảnh cấp Quốc gia, được chính quyền địa phương, bà con Đồ Sơn quan tâm và đầu tư gìn giữ . Trong năm du lịch văn hóa đồng bằng sông Hồng – 2013 tại đảo sẽ diễn ra các hoạt động có ý nghĩa: ngày 19/3, UBND quận Đồ Sơn tổ chức khởi công dự án đầu tư xây dựng, tôn tạo đền thờ Nam Hải Thần Vương. Dự án là công trình văn hóa, tôn giáo được thành phố phê duyệt với tổng mức đầu tư khoảng 65 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 5.028 m2. Sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, đền thờ Nam Hải Thần Vương đáp ứng nhu cầu tâm linh của ngư dân miền biển và du khách thập phương tới dâng hương, tham quan danh lam thắng cảnh đảo Hòn Dấu.
Quần thể đa búp đỏ
Sự kiện vinh danh quần thể đa búp đỏ, gồm 37 cây đạt tiêu chí cây di sản Việt Nam (một số cây có niên đại từ 400 năm đến 700 năm) có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo tồn nguồn gen các cây tiêu biểu, thiết thực nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường, quảng bá sự phong phú, đa dạng với giá trị khoa học cao của hệ thực vật trên địa bàn Đồ Sơn và cả nước. Quần thể đa búp đỏ và danh thắng quốc gia đảo Dấu là điểm đến hấp dẫn cho du khách, là phòng thí nghiệm sinh động cho hoạt động nghiên cứu khoa học, là nơi giáo dục lòng yêu thiên nhiên cho người dân và du khách.
Thưa quý khách, đảo Dấu Đồ Sơn sẽ mãi là nơi hội tụ tâm linh của người dân miền biển và còn cả những giá trị to lớn ý nghĩa đã góp phần tạo lên sự hấp dẫn thu hút du khách đến với Đồ Sơn – Hải Phòng, cùng nhau chung tay bảo vệ và gìn giữ để phát triển du lịch theo hướng bền vững. Một lần nữa xin cảm ơn tất cả quý khách đã lắng nghe, xin chúc những lời tốt đẹp nhất đến với quý khách xin chào và hẹn gặp lại quý khách.